Tăng thu nhập để tăng nhân lực
Như Thanh Niênđã thông tin,ăngphíđăngkiểmđểchốngùntắđại vương tha mạng tình hình đăng kiểm trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ tái diễn tình trạng ùn tắc vì các đăng kiểm viên (ĐKV) đang được tại ngoại làm việc sẽ hầu tòa trong thời gian tới. Đây là vấn đề mà các đơn vị vận tải hết sức quan ngại vì dịp cuối năm và đầu năm là thời điểm nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách tăng cao. Vì thế, ngày 26.10, Hiệp hội Ô tô vận tải VN đã có công văn gửi lãnh đạo Bộ GTVT nêu quan ngại trên.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải VN, kiến nghị: "Để đáp ứng nhu cầu kiểm định xe cơ giới trong thời điểm hiện nay, Hiệp hội Vận tải ô tô VN đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo khẩn trương điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong thời gian sớm nhất để tạo điều kiện thực hiện các giải pháp cơ bản, đáp ứng nhu cầu kiểm định xe cơ giới một cách kịp thời".
Giải thích rõ thêm lý do đưa ra kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết: "Giá kiểm định xe cơ giới hiện hành đã ban hành từ năm 2013, qua hơn 10 năm áp dụng đến nay không còn phù hợp khi mà các chi phí đầu vào đều tăng cao như chi phí tiền lương, tiền điện. Việc thực hiện một số quy định mới trong công tác kiểm định cũng làm tăng thêm một số khoản mục chi không nhỏ so với trước. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu kiểm định trong thời gian cuối năm, các đơn vị kiểm định cần phải bố trí làm thêm giờ, làm thêm ngày thứ bảy, chủ nhật và phải trả lương tăng thêm theo quy định. Mặt khác, để khôi phục năng lực kiểm định theo công suất của các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) thì vấn đề nguồn nhân lực là yếu tố quyết định. Để thu hút được nguồn nhân lực thì thu nhập cho người lao động là yếu tố có tính quyết định".
Hiện nay phương án điều chỉnh giá đã được Cục Đăng kiểm VN hoàn tất và chờ Bộ Tài chính trình dự thảo luật Giá (sửa đổi) để Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp đang diễn ra. Căn cứ vào dự thảo luật Giá (sửa đổi), dịch vụ kiểm định vẫn là dịch vụ thiết yếu, do đó cần được nhà nước quy định giá và không thể để thả nổi. Theo phương án điều chỉnh giá dự kiến, giá dịch vụ đăng kiểm bình quân sẽ tăng khoảng 28%, nếu thuận lợi có thể áp dụng vào đầu năm sau.
Điểm chú ý là nếu phương tiện không đạt ở công đoạn nào, sau khi khắc phục quay lại kiểm định lần 2, TTĐK sẽ kiểm tra lại và chỉ thu tiền phí thực hiện đúng công đoạn đó, thay vì thu theo lượt kiểm định như hiện nay.
Lo ngại ùn tắc tái diễn
Tháng 6.2023, Bộ GTVT ban hành Thông tư 08/2023 cho phép ô tô đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải được tự động giãn chu kỳ kiểm định, chủ xe không phải đưa phương tiện đi đăng kiểm. Quy định này giúp cho hơn 1,4 triệu phương tiện được tự động giãn chu kỳ, nhưng đến đầu tháng 12, khi hết thời hiệu gia hạn nói trên, nhiều xe sẽ phải quay trở lại kiểm định.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, hiện nay trên cả nước có 271/288 TTĐK, với 435/536 dây chuyền kiểm định đang hoạt động với công suất phục vụ đạt trung bình tối thiểu một tháng là 626.400 phương tiện. Trong 2 tháng cuối năm 2023 có khoảng 677.802 xe cơ giới đến hạn kiểm định, cụ thể tháng 11 có 275.853 xe, tháng 12 có 401.949 xe. Sang năm 2024, số lượng phương tiện kiểm định ở tháng cao nhất là vào 7.2024 với số phương tiện đăng kiểm dự kiến là 503.276 xe. Như vậy, tính số liệu chung, năng suất kiểm định của hệ thống đăng kiểm vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, do việc phân bố mật độ các TTĐK không đồng đều về mặt địa lý dẫn đến có chỗ thiếu, chỗ thừa nên dự báo trong tháng 12.2023, tại 7 tỉnh, TP sẽ xuất hiện nguy cơ ùn tắc kiểm định, gồm: Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Thừa Thiên-Huế, TP.HCM và Trà Vinh. Sang năm 2024 sẽ có thêm 4 địa phương khác cũng có nguy cơ ùn tắc như trên.
Tại TP.HCM, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT, nhận định TP chắc chắn sẽ tái diễn ùn tắc đăng kiểm. Hiện, TP mỗi ngày có khoảng 150 - 200 xe mới đăng kiểm, những xe hết hạn kiểm định thời gian tới sẽ khiến nhu cầu kiểm định nóng lên. Sở GTVT TP.HCM đang tập trung hết sức để tìm nguồn nhân lực bổ sung vì 3 trạm của sở có 14 ĐKV đều bị truy tố.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm cũng cho biết hiện vẫn còn nhiều TTĐK đang bị cơ quan công an các địa phương điều tra, xác minh, khả năng trong thời gian tới có thể sẽ có thêm các lãnh đạo và ĐKV bị khởi tố, thậm chí có thể bị tạm giam, nên số lượng ĐKV có thể sẽ tiếp tục bị thiếu hụt. Bên cạnh đó, khi các ĐKV bị đưa ra xét xử cũng sẽ tạo tâm lý bất ổn, áp lực cho những ĐKV khác đang làm việc, dẫn đến năng suất, hiệu suất kiểm định bị suy giảm.
Để chủ động đối phó tình trạng ùn tắc đăng kiểm cuối năm, Cục Đăng kiểm đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của Bộ GTVT và hướng dẫn của Cục Đăng kiểm trong hoạt động kiểm định xe cơ giới; nghiêm cấm việc từ chối cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định đối với các trường hợp có lỗi khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng đã có trong quy định (như: thay đổi lưới tản nhiệt cùng kích thước, biển số lắp đặt không chắc chắn...); thực hiện việc tổ chức cho chủ phương tiện đăng ký trực tiếp thông qua cấp phát số thứ tự, trực tuyến qua ứng dụng phần mềm và các hình thức phù hợp, tránh tình trạng "cò xe" hoạt động.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 28.10
Điều kiện thành lập TTĐK sẽ khó hơn
Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 139/2018 và Nghị định 30/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Điểm đáng chú ý tại dự thảo này là quy định khi có nhu cầu đầu tư xây dựng đơn vị đăng kiểm thì phải có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó nêu rõ vị trí dự kiến xây dựng đơn vị đăng kiểm. Vị trí xây dựng đơn vị đăng kiểm phải đảm bảo phù hợp với mục đích, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương và đảm bảo mật độ các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn, các tỉnh, TP liền kề trong khu vực phân bố đồng đều, phù hợp theo hướng giảm cự ly di chuyển của phương tiện đến các đơn vị đăng kiểm, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa và hải đảo.